Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao
06-12-2016
Để hạn chế tối đa rủi ro khi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao có trải bạt nền đáy, các hộ nuôi tôm cần lưu ý về chuẩn bị ao, thả giống, chăm sóc…
Khái quát quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao
Chuẩn bị ao
Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao thì ao được đầm nén kỹ bờ, trước khi lót bạt cần làm phẳng đáy ao, nền đáy nghiêng về cống thoát nước, đáy ao cần được phơi khô.
- Có thể dùng vải địa chống thấm hoặc bạt, các tấm được dán kín mép lại với nhau, trải lên toàn bộ nền đáy và bờ ao.
- Khi trải bạt phải vuốt bạt áp sát nền đáy, cần lắp 3 – 4 ống thoát khí nối từ dưới nền đáy lên trên bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ phía dưới, đẩy bạt phồng lên khi đưa nước vào ao nuôi.
- Nếu đã trải bạt nuôi tôm từ vụ trước thì tháo róc nước, dùng máy bơm cao áp xịt rửa sạch các chất bám bẩn trên mặt bạt, sau đó dùng nước Chlorine 5% té đều lên mặt bạt, phơi bạt sau 5 ngày mới lấy nước vào ao.
Cấp nước, thả giống trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao
Cấp nước:
Nước được lấy vào ao lắng khử trùng bằng Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000 m3 nước) sau 10 ngày mới lấy nước vào ao qua túi lọc, độ sâu nước ao 1,4 m trở lên.
Tránh lấy nước vào ao lắng khi:
- Có thông tin vùng dịch bệnh thải nước ra vùng nuôi
- Nước thủy triều có hiện tượng phát sáng ban đêm
- Nước có nhiều váng bọt, nhiều huyền phù lơ lửng
- Không lấy nước khi thủy triều đang lên
- Kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước.
Lắp đặt quạt khí
Hệ thống quạt nước có công dụng chính là tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, tạo dòng chảy kích thích tôm bắt mồi, đồng nhất chất lượng nước tại mọi điểm trong ao, gom chất thải vào giữa ao, thuận tiện cho việc xiphong đáy.
- Số lượng quạt khí, tùy theo diện tích nuôi mà bố trí dàn quạt khí nhiều hay ít, thông thường với dàn quạt 15 – 17 cánh thì nên lắp 2 dàn, đảo chiều nhau, đảm bảo khi vận hành tạo dòng nước chảy theo một chiều.
- Ao nuôi nên có diện tích 2.000 – 3.000 m2, hình chữ nhật (dài gấp 1,5 lần rộng), nếu ao hình vuông nên lắp 3 dàn. Với diện tích nuôi 3.000 – 5.000 m2, cần lắp 4 – 6 dàn quạt.
Tôm giống
Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao cần chọn những nhà cung cấp có uy tín. Tôm khi chuyển về phải được kiểm dịch và điều chỉnh độ mặn, pH giữa túi đựng tôm và ao nuôi, thả tôm lúc mát trời, cần cân bằng nhiệt độ trong ao và túi, tránh tôm bị sốc nhiệt, mật độ thả nuôi 120 – 150 con/m2.
Chăm sóc, quản lý trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao
Thức ăn
- Chọn thức ăn cho tôm được sản xuất bởi các hãng lớn.
- Thức ăn phải cho ăn đúng khẩu phần, hàm lượng đạm phải phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm, luôn kiểm soát lượng thức ăn để điều chỉnh tránh thừa hoặc thiếu.
- Không nên cho tôm ăn khi trời mưa vì có sự thay đổi nhiệt độ và độ mặn.
Trong suốt giai đoạn tôm lột xác, nên giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng. Định kỳ bắt tôm để quan sát: Nếu ruột tôm màu đen sẫm đó là biểu hiện thức ăn bị thiếu, tôm phải ăn thức ăn tự nhiên trong ao, do vậy cần tăng thêm lượng thức ăn cho tôm còn ruột tôm có màu nâu là thức ăn đầy đủ. Dùng sàng ăn để kiểm tra mức độ ăn của tôm để điều chỉnh thức ăn cho kịp thời.
- Duy trì độ sâu nước ao để ổn định nhiệt độ: Sau khi thả tôm 10 ngày nên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao định kỳ 10 ngày/lần. Sau 1 tháng nuôi, tiến hành xiphong đáy định kỳ 4 ngày/lần; khi xiphong đáy phải nhẹ nhàng, điều chỉnh van vừa phải, tránh tôm bị hút ra theo ống xiphong.
- Kiểm soát các yếu tố môi trường: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi (như pH, độ kiềm, ôxy, độ mặn) để có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố môi trường, nên duy trì các yếu tố môi trường ở ngưỡng thích hợp cho tôm, pH: 7,5 – 8,5; độ kiềm: 80 – 120 mg/l, ôxy hòa tan: 4 mg/l trở lên, độ mặn 15 – 25‰. Nếu pH thấp, độ kiềm nhỏ hơn 70: tạt vôi CaCO3 kết hợp Dolomite vào ban đêm.
- Độ kiềm cao hơn 230: nên thay bớt nước, lấy nước đã qua xử lý từ ao lắng. Nếu pH cao 8,8 – 9 kéo dài, nên thay bớt 20% lượng nước trong ao. Duy trì độ trong 35 – 40 cm. Màu nước duy trì ở màu xanh nõn chuối hoặc màu mận.
Trong tháng đầu thả tôm chỉ quạt khí về đêm, sang tháng nuôi thứ 2 trở đi cần vận hành quạt khí 24/24, nên sắm máy phát điện dự phòng khi mất điện.
Cùng đó, cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi định kỳ 10 ngày/lần, nhằm cân bằng hệ vi sinh vật trong ao, phân hủy lượng chất thải, giải phóng khí độc, ổn định môi trường trong ao nuôi. Trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn cho tôm, kích thích tiêu hóa giúp tôm lớn nhanh.
Phòng bệnh tôm
Dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng rất nhiều và đó là nguyên nhân tôm thẻ chân trắng chết nhiều nhất cho nên chúng ta cần có cách phòng và trị bệnh tôm thẻ chân trắng kịp thời. Vậy nên trong quá trình nuôi nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt các yếu tố môi trường. Ngăn chặn các loại cua cáy có thể mang mầm bệnh xâm nhập vùng nuôi; vệ sinh, khử trùng dụng cụ, bảo hộ lao động trước khi vào khu vực nuôi.
Sau những thành công bước đầu, tay nghề được nâng lên, người nuôi thường có xu hướng tăng dần mật độ nuôi từ 100 con / m2 lên150-200 con / m2. Trong năm vừa qua có những ông chủ đã thử nuôi mật độ 400 – 500 con / m2 (Hoành Bồ, Quảng Ninh).
- Hệ thống ao hồ, trang thiết bị hoàn chỉnh, con giống sạch bệnh.
- Công nghệ nuôi tiên tiến cùng với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước phần nào làm yên tâm các nhà đầu tư lớn khi họ nuôi trên hệ thống ao có lót bạt nilon.
- Có ao trữ, ao lắng, hệ thống quạt nước, sục khí đáy và kiểm tra, theo dõi hàng ngày các thông số môi trường chất lượng nước.
Trong khi đó những người nuôi quy mô nhỏ,tập trung dạng nuôi quảng canh cải tiến, bán công nghiệp sau khi đầu tư thêm một số thiết bị và cải tạo lại ao hồ lên quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, tuy nhiên do ao liền ao, bờ liền bờ giữa các hộ nuôi với nhau thì việc nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ từ 100 con/m2 trở lên sẽ gặp trở ngại như: tôm chậm lớn, kích cỡ không đồng đều đến khi thu hoạch, dịch bệnh dễ xảy ra…
Với các ao hồ được đầu tư tốt, khu nuôi riêng biệt, sau mỗi vụ nuôi ngoài việc cải tạo tốt ao nuôi còn phải sên vét đường cấp nước và đường xả thoát nước.
Một điều tưởng chừng như bình thường nhưng rất quan trọng và không thể thiếu trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao là luôn làm sạch đáy ao. Khi nuôi tôm sú, người nuôi có thể xi phông đáy theo định kỳ. Nhưng khi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, mỗi tuần (thậm chí mỗingày khi tôm lớn) người nuôi phải xả cặn bã đáy ao tại các vị trí thu gom hoặc bơm hút cặn sang các ao trữ để xử lý.
Trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao thì hệ thống ao nuôi là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại khi nâng mật độ nuôi cao. Việc nâng cấp ao hồ từ nuôi tôm sú qua nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao cũng cần phải chú trọng về độ sâu của mựcnước ao nuôi. Đây cũng được xem như là ưu tiên số một khi cải tạo ao hồ. Đối với các ao nuôi trải bạt toàn bộ đáy ao, độ sâu mực nước thích hợp cho nuôi mật độ cao là 1,5-2m.
Ngược lại, vớicác ao nổi, vùng thấp triều thường có độ sâu mực nước thấp hơn (0,8-1,2m) sẽ là thách thức không nhỏ khi nuôi mật độ trên 100 con/m2.
Nhiều người nuôi đã đầu tư những hệ thống ao hồ thực sự bài bản như: làm lưới nhà lầu tạo điều kiện cho tôm đeo bám, hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt, phủ lưới che chim cò toàn bộ ao nuôi.
Việc theo dõi nhiệt độ, pH, độ kiềm, độc tố…cũng được người nuôichú trọng.
Nhắm đến kết quả là tỉ lệ sốngcao, kích cỡ tôm đồng đều, ít bệnh, thời gian thu hoạch ngắn, năng suất cao trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao từ 150-200 con/m2 trên hệ thống ao nuôi tôm sú trước đây, BioSpring khuyến nghị một số vấn đề kỹ thuật như sau:
- Ao nuôi nên trải bạt toàn bộ hoặc phủ bạt bờ ao.
- Bảo đảm mực nước ao nuôi từ 1,5-2m.
- Khu vực nuôi có nguồn nước dồi dào
- Có ao trữ, ao lắng và hệ thống cấp thoát nước đáp ứng yêu cầu xả mùn bã đáy ao (xi phông đáy) mỗi ngày.
- Có hệ thống oxy đáy; hệ thống quạt nước tạo được các khu vực gom mùn bã đáy ao. Bảo đảm từ tháng thứ 2, thời gian quạt nước 24g/24g.
- Nếu không thỏa mãn các yêu cầu trên, nên nuôi dạng bán công nghiệp <100 con/m2 sẽ hiệu quả hơn.
- Về con giống: Chỉ nuôi mật độ cao khi chọn được con giống sạch bệnh.
- Trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, các biểu hiện của ao nuôi không dễ nhận biết nên đòi hỏi người nuôi phải bám sát để phát hiện và xử lý kịp thời.
Trong bài viết tiếp theo, BioSpring sẽ chia sẻ cho bà con về các thời điểm mùa vụ nuôi tôm thẻ chân trắng để bà con có thể áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao tốt nhất. Chúc bà con có một vụ thu thật năng suất.