Bệnh dịch tả lợn cổ điển và phương pháp phòng bệnh tối ưu
21-12-2016
Bệnh dịch tả lợn cổ điển gây ra bởi vi rút có khả năng truyền nhiễm và lây bệnh cao, tạo thành dịch rất khó kiểm soát đối với ngành chăn nuôi. Nuôi lợn ngoài vấn đề cho lợn ăn gì nhanh lớn, thì các dịch bệnh virus như dịch tả lợn cổ điển được xếp vào nhóm các bệnh phải thông báo dịch với cơ quan kiểm soát thú y khi có dấu hiệu dịch xuất hiện. Mức độ nghiêm trọng cũng như những thiệt hại mà dịch tả lợn cổ điển gây ra cho ngành chăn nuôi là rất lớn, vì vậy, khâu phòng bệnh cho lợn cần được thực hiện nghiêm túc và bài bản, tránh trường hợp dịch bùng phát do khâu phòng bệnh kém. Từ những kiến thức chuyên ngành cho biết đây là loại bệnh gây rất nhiều trở ngại cho các hộ nhà nông mong muốn làm giàu từ nuôi heo.
Triệu chứng dịch tả lợn cổ điển
Dịch tả lợn cổ điển có 4 thể khác nhau là thể quá cấp tính, thể cấp tính, thể thứ cấp và thể mãn tính, mỗi thể lại có một số triệu chứng riêng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng phụ thuộc vào giai đoạn tuổi của lợn, thời gian nhiễm bệnh của lợn là trước khi sinh hay sau khi được sinh ra, giai đoạn lợn con hay lợn trưởng thành, lợn nái sau khi đẻ hay trước và trong khi mang thai. Thời kỳ ủ bệnh của dịch tả lợn cổ điển là từ 3 đến 8 ngày.
Thể quá cấp tính
- Dịch tả lợn cổ điển tiến triển, phát triển một cách nhanh chóng nhưng không biểu hiện ra thành triệu chứng rõ ràng, lợn nhiễm bệnh chết đột ngột và khó quan sát, dự tính trước. Biểu hiện đặc trưng nhất có thể quan sát được là lợn bỏ ăn cám, sốt cao trên 40 độ C, đồng thời lộ vẻ mệt mỏi, đờ đẫn, nặng có thể nôn mửa. Các phần da mỏng vùng mang tai, nách, bẹn nổi chấm đỏ đầu kim li ti, sau đó chuyển dần sang tím. Lợn có biểu hiện khó thở, mạch nhanh và chết sau 1 đến 2 ngày phát bệnh.
- Tỷ lệ chết của lợn mắc dịch tả lợn cổ điển thể quá cấp tính lên tới 100%. Lợn con dễ mắc dịch tả cổ điển thể quá cấp tính hơn lợn trưởng thành.
Dịch tả lợn cổ điển cấp tính
- Đây là thể bệnh thường thấy và phổ biến nhất. Lợn nhiễm dịch tả cổ điển thể cấp tính có triệu chứng chán ăn, bỏ ăn, thèm nước, sốt cao trên 40 độ C và chui vào góc tối của chuồng để nằm. Khi lợn hạ sốt sẽ bắt đầu tiêu chảy phân vàng kèm mùi khắm. Tình trạng sốt cao diễn ra liên tục trong khoảng 4 đến 5 ngày. Những phần da mỏng xuất hiện nốt đỏ và phát triển to dần từ đầu kim lên tới kích thước hạt đỗ, sau đó bầm tím lại. Dịch tả lợn cổ điển khiến lợn bị viêm kết mạc mắt, mắt đỏ, chảy dỉ ghèn, lợn chảy nước mũi và xuất huyết ở niêm mạc trong mũi.
- Khi cơ thể sốt cao, lợn đi táo, hạ sốt sẽ tiêu chảy. Mồm bị loét phủ lớp bựa màu vàng nhạt. Vi rút dịch tả lợn cổ điển phát triển nhanh dẫn tới lợn bị viêm não, gây xuất huyết màng não. Lợn có biểu hiện thần kinh, co giật, nôn mửa, đi đứng loạng choạng, triệu chứng liệt 2 chân sau là khi lợn sắp chết.
- Dịch tả lợn cổ điển cấp tính ở lợn nái mang thai dẫn tới sảy thai, chết lưu, lợn con nếu sinh ra sẽ là sinh non và chết yểu, lợn mẹ có thể chết đột ngột khi mang thai hoặc chết sau khi sinh.
Thể thứ cấp ở dịch tả cổ điển
Thể thứ cấp xuất hiện khi bệnh dai dẳng khéo sang tuần thứ 3. Các triệu chứng bệnh không nghiêm trọng như ở thể cấp tính. Tuy nhiên lợn dễ mắc thêm các bệnh khác như phó thương hàn,nhiễm khuẩn đường ruột, tụ huyết trùng, lợn tiêu chảy nhiều, có thể viêm phổi. Lợn chết lên tới tỷ lệ 100% khi mắc thêm những bệnh này trong giai đoạn dịch tả lợn cổ điển thể thứ cấp.
Thể mãn tính
Thể mãn tính là khi lợn đã qua được giai đoạn cấp tính hoặc thứ cấp. Tuy không còn những biểu hiện bệnh quá nguy kịch, tuy nhiên lợn ở giai đoạn dịch tả cổ điển mãn tính thường đi táo trong vòng 1 tới 2 tháng, lúc đi táo, lúc lại tiêu chảy, ho thường xuyên, dai dẳng, da có nhiều vết bầm tím. Lợn chết do kiệt sức, gầy còm. Lợn nái chửa mắc dịch tả thể mãn tĩnh thường sảy thai.
Các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn cổ điển
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Khâu dịch tễ trong chăn nuôi rất quan trọng nhưng rất nhiều hộ chăn nuôi không thực sự chú tâm coi trọng, vì vậy khi dịch tả lợn cổ điển bùng phát khó kiểm soát hơn rất nhiều. Tiêm phòng là cách phòng bệnh dịch tả heo hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Heo cần được tiêm phòng ngay từ thời gian heo nái hậu bị trước kỳ phối giống. Heo con tiêm phòng sau 6 tuần tuổi khi sinh ra.
Vệ sinh phòng bệnh
Tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ sẽ tiêu diệt được vi rút gây bệnh. Tuyệt đối không ra vào, tiếp xúc với những trại đã nhiễm dịch tả lợn cổ điển. Xử lý triệt để các chuồng trại đã có dịch xuất hiện. Báo cáo thú y về dịch để có phương pháp xử lý lợn chết tốt nhất.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị cho loại bệnh này, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là sử dụng huyết thanh nhưng giá thành rất đắt. Vì vậy, bà con cần làm tốt công tác thú y phòng bệnh để ngăn chăn mầm bệnh có cơ hội bùng phát. Bệnh dịch tả lợn cổ điển được xếp vào loại bệnh nguy hiểm đối với heo.
Tham khảo: Phương pháp nuôi heo mau lớn và thức ăn cho heo con.