Tìm hiểu về ương tôm thẻ chân trắng
26-11-2016
Sau khi đã tìm hiểu về tôm thẻ chân trắng sống ở đâu trong bài viết trước, chúng ta sẽ cùng đi vào chi tiết việc ương tôm thẻ chân trắng. Trong những năm gần đây, ương tôm thẻ chân trắng được các hộ lựa chọn khá nhiều do cách nuôi công nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh, do nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi trong mùa mưa liên tục bị thiếu hụt. Để cải thiện tình hình này, nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng phương pháp nuôi trong nhà vèo và thu được kết quả khả quan.
- Trước hết là thiết kế ao vèo khoảng từ 1.000 – 3.000m2/ao. Ao ương Tôm thẻ chân trắng được lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên có che kín lưới lan, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định, xung quanh che kín bằng vỏ thùng phuy sắt loại bỏ từ các công trình xây dựng. Khu nuôi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt chống sự xâm nhập của vật nuôi hay địch hại như chuột, rắn… Công nhân và người ngoài muốn vào khu ương nuôi nhà vèo phải đi qua khu khử trùng tại cổng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm các mầm bệnh giữa các ao nuôi.
- Cách chọn tôm thẻ chân trắng giống rất quan trọng, tôm thẻ chân trắng giống được ương nuôi trong ao vèo đến 25-30 ngày tuổi, mật độ 800-1.000 con/m2. Trong thời gian này, tôm được chăm sóc kỹ lưỡng, được cung cấp oxy liên tục; sau thời gian ương, tôm đạt kích cỡ theo yêu cầu thì sẽ được thả ra ao lớn. Ao nuôi tôm thịt cũng được thiết kế bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn được trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào ao; phía trên che lưới rào ngăn chim cò xuống ao. Điều quan trọng là trong ao vèo cũng như ao nuôi đều có hệ thống oxy đáy chạy suốt trong quá trình thả tôm nuôi, bảo đảm lượng oxy cho tôm nuôi mật độ cao.
Nuôi tôm theo quy trình mới mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tốn kém, nhưng cái lợi thì lớn hơn rất nhiều.
- Thứ nhất là các khâu quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tôm giống và chi phí thuốc, hoá chất, thức ăn giai đoạn này tốn kém ít, do chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước và nhiệt độ của ao vèo, đặc biệt là là nguồn nước còn thiếu tại khu vực trên vào mùa mưa.
- Thứ hai là đối với tôm thẻ chân trắng nuôi công nghiệp, từ 20 – 30 ngày tuổi là giai đoạn dễ sinh dịch bệnh và hao hụt nhiều nhất. Nếu chăm sóc tốt, xử lý đúng quy trình và tôm vượt qua được giai đoạn này thì khả năng thắng lợi rất cao, vì khi thả ra ao lớn tôm đã đủ sức khoẻ.
- Mặt khác tôm đủ lớn nên khâu kiểm soát thức ăn được chính xác và chặt chẽ hơn, ngược lại, nếu thấy chất lượng tôm giống phát triển không tốt hoặc bị bệnh thì người nuôi có thể huỷ bỏ tại ao vèo, vì vậy chi phí không nhiều, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường của ao nuôi và các khu vực xung quanh.
Để có giống tôm thẻ chân trắng đảm bảo chất lượng, ngoài tôm bố mẹ chất lượng tốt còn yêu cầu kỹ thuật, chăm sóc tốt trong suốt quá trình ương nuôi ấu trùng.
Quy trình chuẩn bị ương tôm thẻ chân trắng
Chuẩn bị bể ương
Bể ương tôm thẻ chân trắng ấu trùng phải được vệ sinh và khử trùng bằng Chlorine 100 ppm trong thời gian ít nhất 24 giờ. Sau đó dùng nước rửa sạch Chlorine dư trên bể mặt bể, cấp nước biển đã khử trùng qua túi lọc bông, rồi bổ sung EDTA 10 ppm và sục khí trong ít nhất 24 giờ trước khi thả ấu trùng Nauplius vào ương.
- Điều kiện môi trường bể ương tôm thẻ chân trắng: Độ sâu mực nước 0,8 – 1,0 m.
- Độ mặn 28 – 32‰. Nhiệt độ 26 – 300C, pH 8,0 – 8,6, sục khí 24/24 giờ. Bể ương ấu trùng có thể là hình tròn, vuông, bể xi măng hoặc composite.
- Thể tích bể tùy thuộc quy mô sản xuất, thường 4 – 10 m3.
Thu và xử lý Nauplius
- Sau khi tôm đẻ 30 – 32 giờ, thu Nauplius trong bể đẻ và chuyển vào chậu/thùng nhựa 20 – 100 lít tùy thuộc số lượng Nauplius, sục khí nhẹ để ấu trùng phân bố đều trong chậu. Không nên ương tôm thẻ chân trắng tất cả lượng Nauplius, chỉ nên chọn 70 – 80% lượng Nauplius khỏe mạnh, hướng quang tốt, bơi lội nhanh bằng phương pháp tắt sục khí, soi đèn, vớt ấu trùng bên trên. Định lượng Nauplius bằng cách đếm 1 ml mẫu đại điện.
- Dùng Formaline 100 – 200 ppm hoặc Ioddin 80%, nồng độ 10 ppm, tắm cho Nauplius trong 30 – 60 giây để khử trùng. Tắm lại bằng nước sạch để loại bỏ dư lượng Formaline hoặc Iodine, sau đó thả vào bể ương.
- Kiểm tra nhiệt độ và độ mặn của nước ở bể ương tôm thẻ chân trắng trước khi chuyển Nauplius từ bể đẻ sang. Giữa hai bể nếu có nhiệt độ chênh lớn hơn 10C và 2‰ về độ mặn cần phải thuần hóa Nauplius. Thời gian thuần hóa đảm bảo yêu cầu: 10C/30 phút và 1 – 2‰/30 phút.
Mật độ ương: 150 – 200 Nauplius/lít.
Chăm sóc ấu trùng
- Giai đoạn Nauplius: Ấu trùng dinh dưỡng bằng noãn hoàng, không cho ăn. Khi trên 50% ấu trùng chuyển Nauplius 5 thì bắt đầu cho tảo vào bể ương với lượng 10 lít tảo tươi/100.000 ấu trùng hoặc 0,1 g tảo khô/100.000 ấu trùng. Giai đoạn Nauplius, cần sục khí nhẹ, đều.
- Sau 36 – 38 giờ ở nhiệt độ 29 – 300C, Nauplius chuyển sang giai đoạn Zoea. Thời gian chuyển từng giai đoạn phụ thường 24 – 28 giờ tùy thuộc nhiệt độ nước ương, thức ăn và sức khỏe ấu trùng. Ở giai đoạn Zoae, ấu trùng ăn lọc liên tục, vì vậy cần cung cấp tảo khô và tảo tươi 4 – 5 lần/ngày. Từ giai đoạn Zoae 2, Zoae 3 có thể bổ sung thức ăn tổng hợp (Lansy, Frippak…) 2 – 3 lần/ngày.
Quản lý ương nuôi tôm thẻ chân trắng
Bể xi măng dùng để ương tôm thẻ chân trắng : không nên sơn, đối với bể xi măng mới thì sẽ có tính kiềm và độ cứng cao, gây độc cho tôm. Biện pháp để làm sạch bể xi măng là rửa bể bằng dung dịch lên men từ thân cây chuối, rửa nhiều lần cho đến khi chất lượng nước trong bể được đảm bảo.
- Nước ương tôm thẻ chân trắng (có màu xanh): được chuẩn bị tốt và phải đảm bảo phù hợp các chỉ tiêu quan trọng như kiềm, pH, độ mặn, Ca, Mg, K… Nước được xử lý khép kín bằng ao đất. Sau khi chuẩn bị nước xong, cấp nước vào bể khoảng 1.2m. Nếu nước có dấu hiệu bị ô nhiễm ở đáy bể thì bơm ra ao xử lý, sử dụng các chất xử lý nước để cải tạo lại.
- Mỗi bể xi măng ương tôm thẻ chân trắng khoảng 100.000-300.000 PL10-15 tùy theo mùa, những tháng mùa hè thì có thể ương cao hơn. Cho tôm ăn : 3 lần / ngày lúc 8h, 11h30 và 16h. Lượng thức ăn chỉ 200g/100.000 PL. Thức ăn được đặt vào sàn ăn. Nhìn chung, khi chăm sóc quản lý tốt thì tỷ lệ sống của tôm đạt 80-90%.
Ngoài ra, bà con có thể tham khảo về phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng đạt hiểu quả. Hy vọng bài viết của BioSpring có ích cho bà con trong việc tìm hiểu về ương tôm thẻ chân trắng để tạo được giống tôm thật sự chất lượng!