Ngành thức ăn chăn nuôi: Hướng đi mới hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
23-03-2016
(DĐDN) – Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Chính vì vậy, trước những báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã nỗ lực tìm các giải pháp mới để thay thế kháng sinh hữu hiệu nhất trong chăn nuôi.
Ông Lê Công Cường – Giám đốc Kĩ thuật Công ty TNHH Thức ăn Chăn nuôi Tân Việt phát biểu tại Hội thảo Probiotics bào tử bền nhiệt từ Anh Quốc – Công nghệ đột phá nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, diễn ra ngày 18/3/2016 tại Hà Nội.
Thời gian này khắp các mặt báo đưa tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người tiêu dùng luôn cảm thấy đắn đo trong việc lựa chọn thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe của cộng đồng. Trên thế giới, không ít quốc gia tiên tiến như Mỹ, EU, Hàn Quốc đã ban hành quy định cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi điều kiện cơ sở vật chất, chuồng trại còn thấp kém dẫn đến gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh, việc ‘nói không’ với kháng sinh vẫn là điều chưa khả thi ở hiện tại.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn đi tìm các giải pháp mới để nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm ra giải pháp thay thế kháng sinh hữu hiệu nhất trong chăn nuôi.
Ông Bùi Đức Huyên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dinh dưỡng Việt Tín – đơn vị sở hữu 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Sóc Sơn và Yên Bái và các nhân viên đã phải mất một thời gian dài tìm hiểu về các giải pháp thay thế chất kháng sinh trong thức ăn cho gia súc, gia cầm. Sau khi được giới thiệu về các tác dụng mà công nghệ Probiotics bào tử bền nhiệt đem lại, ông Huyên đã quyết định thử nghiệm công nghệ này vào một số sản phẩm cám của công ty. Quá trình thử nghiệm được diễn ra với sự kiểm soát chặt chẽ và lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm xác định được tính hiệu quả của phương pháp mới.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Tín cho biết, sau hơn 1,5 năm thử nghiệm ứng dụng Probiotics, công ty của ông đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ bà con chăn nuôi. “Kết quả thử nghiệm cho thấy vật nuôi đã có sự miễn dịch tự nhiên tốt hơn do đó bà con bớt chi phí thuốc chữa bệnh, sự tăng trưởng của vật nuôi đều và tốt hơn trước khi sử dụng cám không có probiotics 100% bào tử. Ngoài ra chất thải giảm mùi hôi từ 60% – 70%”, ông Huyên nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, có đến 90% sản phẩm của doanh nghiệp này đã sử dụng Probiotics. “Là một doanh nghiệp luôn đặt khách hàng và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, vì vậy dù áp dụng công nghệ mới, Việt Tín vẫn sẽ giữ nguyên giá bán, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân”. – ông Huyên khẳng định.
Cùng chung mối quan tâm với Việt Tín, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Tân Việt, một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hà Nam luôn xác định sứ mệnh của mình là đồng hành cùng người nông dân để tìm ra những giải pháp chăn nuôi hiệu quả nhất.
Trước sự chứng kiến của hơn 80 đại diện các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi tham dự Hội thảo Probiotics bào tử bền nhiệt từ Anh Quốc – Công nghệ đột phá nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, diễn ra ngày 18/3/2016 tại Hà Nội, ông Lê Công Cường – Giám đốc Kỹ thuật của Tân Việt chia sẻ: “Tác dụng rõ rệt nhất của công nghệ này là giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tiêu chảy trên heo con. Bên cạnh đó, nhờ việc hạn chế sử dụng kháng sinh nên heo con phát triển hồng hào, khỏe mạnh hơn, tăng khối lượng xuất chuồng. Ưu việt nhất là việc tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn, hạn chế tồn dư kháng sinh, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi từ 200-300 ngàn đồng/con heo”.
Dẫu biết rằng thói quen lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi không thể dễ dàng thay đổi trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, khi những người cung cấp nguyên liệu thức ăn cho bà con nông dân có tầm nhìn xa, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng học hỏi và tiếp thu những tiến bộ của thế giới, tư duy của người chăn nuôi có thể dần thay đổi. Đây cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp các nhà chăn nuôi Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên sân nhà và vượt qua các tiêu chuẩn về xuất khẩu khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Phương Liên