GIẢM THIỂU KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI: CÁCH ĐAN MẠCH VƯỢT QUA RÀO CẢN
23-09-2016
Vào thời kì đầu tiên của kỷ nguyên kháng sinh, mối nguy hiểm của việc tạo ra các vi khuẩn kháng kháng sinh đã được bộc lộ khá rõ ràng. “Sẽ đến lúc bất cứ ai có thể mua penicillin tại mọi hiệu thuốc” Alexander Fleming đã cảnh báo khi nhận giải thưởng Nobel cho thành tựu phát hiện loại thuốc này. Từ đó xuất hiện mối nguy hiểm khi một người thiếu hiểu biết có thể dễ dàng không sử dụng liều lượng cần thiết để gây chết vi khuẩn gây bệnh mà ngược lại tạo điều kiện cho những vi khuẩn này rèn luyện khả năng kháng kháng sinh.
Cho tới thời điểm cuối cuộc đời của Fleming, vào những năm 1950, những người nông dân đã phát hiện ra rằng sử dụng liều lượng kháng sinh thấp giúp động vật nuôi tăng cân nhanh hơn. Không ai biết chắc chắn nguyên lý hay cơ chế hoạt động của việc này, nhưng liều lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi ngày nay được cho là đang làm lu mờ liều lượng sử dụng trong y học.
Việc sử dụng phổ biến và bừa bãi những loại thuốc kháng sinh đang tạo ra mối nguy hiểm mà Fleming đã dự đoán. Tổ chức Y tế Thế giới đã coi khả năng kháng thuốc kháng sinh là một trong những mối đe dọa toàn cầu đáng lưu ý nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, các mầm bệnh có khả năng kháng kháng sinh được ước tính gây ra ít nhất 2 triệu trường hợp nhiễm khuẩn và 23 nghìn ca tử vong mỗi năm.
Tuy nhiên, Đan Mạch đang dẫn đầu thế giới trong việc đảo ngược lại xu thế sử dụng kháng sinh. Trong hai thập kỷ vừa qua, quốc gia này đã triển khải những cải cách thích đáng về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thể hiện những tiến bộ rõ ràng trong việc giảm thiểu tỷ lệ lan truyền của các vi khuẩn kháng kháng sinh.
NHẬN BIẾT CỦA CÁC QUỐC GIA CHÂU ÂU
Sự ra đời của việc sử dụng kháng sinh thường xuyên trong nông nghiệp đã làm bệ phóng cho sự phát triển của các vi khuẩn kháng kháng sinh quy mô toàn thế giới. “Việc sử dụng kéo dài liều lượng kháng sinh thấp trong thức ăn gia súc tạo ra môi trường lý tưởng cho sự lan truyền của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh” – Stuart Levy, một bác sỹ y khoa và vi trùng học tại Đại học Tufts – cũng là người đã theo dõi hiện tượng này trong một cuộc thử nghiệm tại một trang trại nhỏ năm 1974.
Đội ngũ của Levy đã nhận thấy rằng các vi khuẩn kháng kháng sinh nhanh chóng thống trị hệ thực vật đường ruột ở gà sau sự ra đời của thức ăn mà trong đó có sự hiện diện của oxytetracycline. Trong vòng sáu tháng, những người dân sống tại trang trại cũng mang trong người vi khuẩn coliform có khả năng kháng tetracycline. Vi khuẩn coliform này chiếm đến hơn 80% lượng vi khuẩn đường ruột. Loại vi khuẩn trên gà và người nông dân đều chứa plasmid có khả năng tạo ra những đặc tính đề kháng với nhiều loại kháng sinh chứ không chỉ với duy nhất loại thuốc kháng sinh được sử dụng. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy sáu tháng sau khi kháng sinh được gỡ bỏ khỏi thức ăn cho gà, hầu hết các nông dân đều không còn mang trên người vi khuẩn có khả năng kháng lại tetracycline.
Không lâu sau khi nghiên cứu của Levy được phát hành, tetracycline đã bị cấm sử dụng như thuốc kích thích tăng trưởng trên toàn Châu Âu. Nhưng vào năm 1994, Frank Aarestrup, một bác sĩ thú ý mới tốt nghiệp tại Đan Mạch, đã nhận thấy việc sử dụng dự phòng tetracycline ở Đan Mạch có chiều hướng đi lên, kèo them sự gia tăng của vi khuẩn kháng kháng sinh trong vật nuôi. Aarestrup cảm thấy lo lắng bởi xu hướng này, và thậm chí trở nên băn khoăn hơn nữa khi ông nhận ra việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện này được thúc đẩy bởi một động cơ lợi nhuận kinh tế từ các bác sĩ thú y ở Đan Mạch. Nhiều người trong số này kiếm được khoảng 1/3 nguồn thu nhập của mình bằng việc kinh doanh thuốc kháng sinh với nông dân.
Khi ông tiếp tục điều tra, ông thấy rằng số lượng thuốc kháng sinh vẫn đang được kê đơn để sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng ở lợn và gia cầm vượt xa so với số lượng thuốc được sử dụng với mục đích điều trị. Khoảng 90% thuốc kháng sinh sử dụng cho gia cầm được sử dụng với liều thấp nhằm kích thích tăng trưởng.
Aarestrup, hiện là một giáo sư tại Đại Học Kỹ Thuật Đan Mạch (DTU), và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành nghiên cứu riêng về vi khuẩn kháng kháng sinh trong phân của gà và lợn khỏe mạnh. Nghiên cứu của họ đã thể hiện rõ mối quan hệ giữa việc sử dụng kháng sinh avoparcin và sự lan truyền rộng rãi của vi khuẩn kháng kháng sinh. Avoparcin là một glycopeptide với cấu trúc hóa học tương tự như vancomycin – giải pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn có khả năng đe dọa đến tính mạng. Vào năm 1995, Aarestrup đã báo cáo rằng 80% gà lấy mẫu tại các trang trại thông thường (nơi mà avoparcin được sử dụng như thuốc kích thích tăng trưởng) đều mang vi khuẩn kháng kháng sinh vancomycin. Trong khi đó không có bất cứ con gà nào lấy mẫu tại trang trại hữu cơ, khi không có thuốc kích thích tăng trưởng được sử dụng, mang theo vi khuẩn kháng vancomycin.
Vào đầu những năm 1960, các quốc gia Châu Âu đã ra lệnh cấm sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào quan trọng trong y học với mục đích kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ bao gồm một số loại thuốc cụ thể như vancomycin chứ không bao gồm các loại thuốc có cấu trúc hóa học tương tự như avoparcin. Avoparcin được phê duyệt sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng trong khu vực Châu Âu vào những năm 1970 và được áp dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Avoparcin chưa bao giờ được phê duyệt sử dụng với bất kỳ mục đích nào trong ngành nông nghiệp, nhưng vancomycin thường được dùng trong bệnh viên, góp phần gia tăng số lượng cầu khuẩn đường ruột có khả năng kháng vancomycin (VRE). Đối với những trường hợp bệnh nhân suy yếu sức khỏe do các vấn đề khác, VRE có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Tại Hoa Kỳ, trung bình 20,000 bệnh nhân mỗi năm nhiễm trùng khuẩn VRE, trong đó có 1,300 ca tử vong.
Đến những năm 1990, sự tồn tại của VRE phổ biến hơn rất nhiều trong khu vực Châu Âu so với Hoa Kỳ. Các chủng VRE xâm nhập vào cộng đồng người dân Châu Âu qua ngành chăn nuôi trong khi đó đối với khu vực Hoa Kỳ, các chủng này chỉ tồn tại hạn chế tại các bệnh viện. Một nghiên cứu vào năm 1997 đã so sánh đặc điểm của những người ăn chay và người ăn thịt ở Hà Lan cho thấy rằng không ai trong số những người ăn chay mang theo vi khuẩn VRE, trong khi VRE tồn tại trên 20% lượng người ăn thịt. Cũng trong năm đó, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm sử dụng toàn bộ avoparcin.
THÀNH CÔNG CỦA ĐAN MẠCH
Tại Đan Mạch, động lực để khiến thuốc kháng sinh chỉ sử dụng cho con người đã tạo ra một cuộc cách mạng cho quản lý chăn nuôi trong những năm 1990 và 2000. Quốc gia này quản lý chặt khoản lợi nhuận mà bác sĩ thú y nhận được từ việc kinh doanh thuốc kháng sinh trong năm 1995, và cũng trong năm đó trở thành quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm sử dụng avoparcin với bất kỳ mục đích nào. Đến năm 1999, toàn bộ việc sử dụng kháng sinh không phải mục đích điều trị trên lợn bị cấm. Điều này đã thể hiện một bước tiến lớn của một quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới.
Giống như những nghiên cứu của Levy cách đây vài thập kỷ, hầu hết các trường hợp dừng sử dụng kháng sinh ngoài mục đích điều trị từ một đến hai năm đã dẫn đến sự giảm thiểu đáng kể số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh trong động vật nuôi và thịt của chúng. Trong các trường hợp còn lại, phụ thuộc vào loại thuốc được sử dụng và các vấn đề khác, hiện tượng kháng kháng sinh có thể suy giảm chậm hơn. “Chúng tôi đã nhìn vào vấn đề này ở ngành sản xuất lợn và gia cầm” Yvonne Agerso, một nhà nghiên cứu cao cấp tại DTU cho biết. “Cộng đồng vi khuẩn trong ruột của người hay động vật nuôi là một môi trường rất cạnh tranh. Nếu bạn không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào và tạo ra một áp lực chọn lọc cho vi khuẩn kháng kháng sinh, bạn có thể hoàn toàn loại bỏ những vi khuẩn này ra cơ thể trong thời gian dài”.
Các dữ liệu của Đan Mạch cho thấy một sự suy giảm đáng kể về số lượng VRE ở lợn kể từ lệnh cấm avoparcin năm 1995. Một nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy rằng trong vòng 2 năm cấm sử dụng avoparcin, độ lan truyền và số lượng của VRE giảm mạnh trong vi khuẩn đường ruột có lợi ở cả động vật, thực phẩm và con người khỏe mạnh. Số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh cũng suy giảm đáng kể và được ghi nhận hai năm sau khi người chăn nuôi lợn tại Đan Mạch tự nguyện ngừng sử dụng cephalosporins trong năm 2009.
Một trong những khía cạnh nổi bật của quá trình biến đổi trong chính sách sử dụng kháng sinh tại Đan Mạch đó là việc cấm sử dụng kháng sinh có rất ít ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thịt lợn. Từ năm 1992 đến năm 2008, số lượng kháng sinh sử dụng trên mỗi kilogram lợn nuôi tại Đan Mạch giảm hơn 50%. Tuy nhiên, năng suất tổng thể vẫn tăng đều. Sản xuất lợn cai sữa tăng từ 18.4 triệu vào năm 1992 tới 27.1 triệu vào năm 2008. Tỷ lệ tử vong ở lợn bắt đầu tăng trong năm 1994 nhưng sụt giảm mạnh sau năm 2004 và tới năm 2008 thì tỷ lệ này ngang bằng với tỷ lệ tử vọng trong năm 1992.
Theo Niejs Kjeldsen, một bác sĩ thú y tại Hội đồng Nông nghiệp và Thực Phẩm Đan Mạch, kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, chi phí chăn nuôi lợn từ lúc sơ sinh đến thời kì giết mổ đã tăng lên khoảng €1 trên mỗi con vật. Nhưng Jorgen Schlundt, Giám đốc Viện thực phẩm Quốc gia tại DTU lại cho biết “Chúng tôi sản xuất hiệu quả hơn và số lượng mầm bệnh cũng giảm rõ rết”. Nhiều nông dân tại Đan Mạch hiện nay đã cho lợn con ở cùng với lợn mẹ trong thời gian dài, điều này giúp chúng hình thành hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Nếu lợn con tách khỏi lợn mẹ từ sớm thì dễ bị nhiễm trùng hơn.
Schlundt nhấn mạnh rằng việc theo dõi chặt chẽ quá trình kinh doanh và sử dụng thuốc kháng sinh là một phần thiết yếu trong hệ thống quản lý của Đan Mạch. “Chúng tôi bắt đầu theo dõi từ trước khi ban lệnh cấm sử dụng kháng sinh, vì vậy chúng tôi đã thiết lập được hệ thống số liệu cơ bản” ông cho biết: “Chúng tôi theo dõi số lượng kháng sinh được sử dụng trên động vật và người, và tỷ lệ kháng kháng sinh ở các mầm bệnh và sinh vật đại diện”. Những thông tin này là
cần thiết cho phép chính phủ can thiệp với một số người nông dân vẫn tiếp tục lạm dụng thuốc kháng sinh và thuyết phục cộng đồng ngành nông nghiệp rằng lệnh cấm sử dụng kháng sinh là một chiến lược y tế cộng đồng có hiệu quả. Các minh chứng từ Đan Mạch và một số quốc gia khác tại Châu Âu đã đủ thuyết phục toàn bộ Liên minh Châu Âu ban hành lệnh cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng vào năm 2006.
Hệ thống quản lý tại Đan Mạch đã thành công nhờ sự hợp tác giữa ngành nông nghiệp, thú y, các nhà nghiên cứu về sức khỏe con người, và đặc biệt là chính phủ Đan Mạch. Sự thay đổi này trở nên dễ dàng hơn nhờ nền văn hóa nông nghiệp Đan Mạch, nơi những tổ chức nông dân được phát triển từ một hệ thống và cơ cấu tổ chức chặt chẽ mà hoạt động sản xuất sữa và các lò giết mổ đều thuộc quyền sở hữu của hợp tác xã. Schlundt cho biết việc này đã khiến những người nông dân có ý thức trách nhiệm hơn đối với các tác động của thực tiễn sản xuất lương thực.
“Khi tôi nói chuyện với những người nông dân tại Hoa Kỳ về vấn đề này,” ông phát biểu, “Tôi phải bắt đầu bằng việc tuyên bố người Đan Mạch không hề theo phương thức hợp tác xã cổ điển kiểu Xô Viết trước đây”. Việc hạn chế kháng sinh tại Đan Mạch là thành quả của chính sách thay đổi dựa trên cơ sở khoa học được hỗ trợ toàn diện bởi dữ liệu đa nguồn. Sclundt chỉ ra rằng đường hướng tư duy này không có gì xa lạ với Hoa Kỳ. “Những nhà nghiên cứu Đan Mạch làm việc về chỉ số tác động môi trường đều được đào tạo tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Hoa Kỳ” ông giải thích: “Tất cả các nghiên cứu của Đan Mạch trong việc đánh giá rủi ro đều ảnh hưởng trực tiếp từ đường hướng tư duy của Hoa Kỳ”.
TÌNH HÌNH TẠI HOA KỲ
Trong khi đó, trong hơn 35 năm, chính sách của Hoa Kỳ về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn trong tình trạng khá lấp lửng. Năm 1977, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đề xuất cấm sử dụng tetracycline và penicillin làm chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Một ủy ban của Quốc hội đã yêu cầu FDA cung cấp dữ liệu bổ sung, và FDA đã chấp hành việc này; mặc dù vậy, vẫn không có bất cứ kế hoạch nào được thực hiện.
Trong năm 1999 và một lần nữa vào năm 2005, các tổ chức nghiên cứu sức khỏe môi trường đã kiến nghị FDA tiếp tục thúc đẩy đề xuất năm 1977 và mở rộng việc cấm sử dụng kháng sinh đối với các loại thuốc khác. Sau khi ra tòa vào năm 2011, cơ quan này đã bác bỏ những kiến nghị của công dân trên cơ sở rằng thủ tục thu hồi chính thức đối với các loại thuốc/chất hóa học gây tranh cãi này sẽ tốn quá nhiều thời gian và nguồn lực, và ngành công nghiệp dược thú y đã chỉ ra rằng đây chỉ là câu trả lời chung chung cho triển vọng tự nguyên thay đổi việc sử dụng thuốc kháng sinh. Một liên minh các nhóm lợi ích cộng đồng do Bộ Tài nguyên Hội Đồng Quốc phòng (NRDC) đã đệ đơn kiện, thách thức việc từ chối các kiến nghị của cơ quan, cáo buộc quyết định này không dựa trên cơ sở an toàn và khoa học.
Vào tháng 3 năm 2012, thẩm phán liên bang Theodore Katz chỉ đạo FDA tiếp tục xúc tiến đề xuất năm 1977 để ban lệnh cấm sử dụng penicillin và tetracycline trong thức ăn động vật với mục đích kích thích tăng trưởng, trừ khi các nhà sản xuất thuốc có thể chứng minh được tiêu chuẩn an toàn của hai loại thuốc này. Ba tháng sau đó, thẩm phán quyết định ủng hộ các nguyên đơn, và ra lệnh cho FDA ban hành lệnh cấm sử dụng kháng sinh theo như dự tính ban đầu. “Nếu ngành công nghiệp thuốc có ý định tự nguyện thực hiện theo quy định, thì không rõ lý do vì sao ngành công nghiệp lại đấu tranh chống lại thông báo thu hồi chính thức hay mất thời gian yêu cầu điều trần” Thẩm phán Katz cho biết.
FDA kháng cáo quyết định của thẩm phán, và vụ kiện tiếp tục luồn lách qua hệ thống pháp luật dẫn đến không có kế hoạch triển khai. Vào tháng 12 năm 2013, FDA hoàn thành báo cáo hướng dẫn tự nguyên tuân thủ theo quy định – yêu cầu các công ty loại bỏ đặc tính kích thích tăng trưởng trên nhãn hiệu và ngăn ngừa việc phân phối kháng sinh dùng trong thực phẩm cho các đại lý với mục đích dự phòng (mục đích sử dụng như vậy sẽ đòi hỏi kê toa từ bác sỹ thú y). “FDA hiện đang hợp tác cùng với các cơ quan chính phủ khác, bao gồm Sở Nông nghiệp Và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm những giải pháp tăng cường cơ sở dữ liệu và đo lường hiệu quả” của hướng dẫn tự nguyện tuân thủ quy định, Siobhan DeLancey của phòng truyền thông FDA cho biết.
Đối với nhiều người ủng hộ y tế công cộng, biện pháp này là chưa đủ. “Phương pháp tự nguyện tuân thủ quy định thực sự không có hiệu quả” Avinash Kar, một luật sư của NRDC cho biết: “Có một lỗ hổng rất lớn trong chính sách này. Hướng dẫn của FDA vẫn ủng hộ việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh” mặc dù khuyến khích đó là “đúng đắn”.
Đây cũng chính là kẽ hở của một vấn đề thiết yếu tại các nước Châu Âu sau nhiều năm lệnh cấm của Liên minh châu Âu đi vào hiệu lực. Schlundt cho biết chính số lượng kháng sinh sử dụng liều thấp vẫn được tiếp tục áp dụng với mục đích phòng bệnh, mặc dù không đủ tài liệu để chứng minh rằng cách thức sử dụng cho cả bầy đàn là một phương pháp dự phòng đáng tin cậy. (Kháng sinh liều thấp đôi khi có thể cải thiện hiệu quả thức ăn cho lợn, nghĩa là lượng thức ăn tiêu thụ của một con lợn trên mỗi kg tăng trọng, và một phần nào tăng năng suất ở gà, nhưng thường không đủ để bù đắp cho các loại thuốc khác.)
Khi tổng thể việc sử dụng kháng sinh không giảm ở Hà Lan sau lệnh cấm, chính phủ Hà Lan đã bắt đầu áp dụng chính sách phạt tiền cho việc lạm dụng thuốc kháng sinh vào năm 2009; hàm lượng tiêu thụ thuốc kháng sinh thú y vì thế giảm hơn 50% trong vòng ba năm tiếp theo. Tại Hà Lan, cũng giống như ở Đan Mạch, quá trình thay đổi được thực hiện bằng cách theo dõi chặt chẽ hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc kháng sinh, Schlundt cho biết.
CHÌA KHÓA NẰM Ở QUÁ TRÌNH GIÁM SÁT
Hoa Kỳ không thiếu bất cứ điều gì ngoài một hệ thống giám sát sâu rộng như ở Đan Mạch. “Chúng tôi quan tâm nhiều đến thiếu sót trong hệ thống giám sát và quản lý” Gail Hansen, một chuyên gia về sức khỏe con người và chăn nuôi công nghiệp tại Pew Charitable Trusts cho biết.
Các dữ liệu duy nhất được công khai tại Hoa Kỳ chỉ đưa ra con số bán hàng tổng số lượng kháng sinh được sử dụng trên thực phẩm động vật trên toàn quốc; các loại thông tin của các nhà nghiên cứu Đan Mạch coi là cần thiết cho hệ thống giám sát của họ – ví dụ như ai đang quản lý số lượng kháng sinh được sử dụng cho động vật thì hoàn toàn không có trong hệ thống dữ liệu của Hoa Kỳ. Các hướng dẫn tự nguyện tuân thủ của FDA cũng không đề cập gì đến về vấn đề giám sát và theo dõi. “Chúng tôi đã liên tục hỏi FDA làm thế nào họ có thể giám sát được quá trình này và không nhận lại được bất cứ câu trả lời nào có ý nghĩa” Hansen cho biết.
Một nhóm nhỏ các Thượng nghị sĩ và các thành viên Quốc hội đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua luật pháp. Đại diện Louise Slaughter (D-NY) và Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (D-CA) từ lâu đã hỗ trợ các đề xuất này với tên gọi là Đạo luật bảo tồn kháng sinh trong khám chữa bệnh (H.R.1150) và Luật Ngăn chặn kháng sinh (S.1256). Các đề xuất này không có cách nào qua được ủy ban để lên hội đồng giải quyết, mặc dù cả hai đều tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tài trợ mới. Trong tháng 10 năm 2012, Đại diện Henry Waxman (D-CA) đã giới thiệu Đạo luật Cung cấp minh bạch chế phẩm kháng khuẩn cho vật nuôi (HR820), yêu cầu các nhà sản xuất gia cầm và gia súc với quy mô lớn nộp báo cáo chi tiết hàng năm cho FDA từng loại và số lượng thuốc kháng sinh trong thức ăn cho động vật. Đề xuất này cũng không có tiến triển gì đáng kể.
“Các hệ thống chăn nuôi nông nghiệp tại Hoa Kỳ đã nhận thức hơn về kháng sinh” Hansen nhấn mạnh. “Nhưng coi kháng sinh là một vấn đề và yêu cầu phòng ngừa không sử dụng kháng sinh thì sẽ không bao giờ là một chính sách hiệu quả”.
Sử dụng kháng sinh liều thấp và mãn tính là một phương pháp tồi tệ nhất để áp dụng các loại thuốc kháng sinh này, thứ đã thay đổi hoàn toàn hệ thống y học trong thể kỷ XX. Trừ khi chúng ta có cách thức tiếp cận vấn đề của mình. Thể kỷ XXI có thể chứng kiến thời điểm kết thúc của phép lạ y học này. Kinh nghiệm của Đan Mạch cho thấy một phương thức thiết thực để hướng tới một tương lai mới – một tương lai chứng kiến một ngành công nghiệp chăn nuôi khỏe mạnh và các liệu pháp kháng sinh hữu hiệu cho những đối tượng cần chúng.
Bài viết trên được đăng bởi Tạp chí Environmental Health Perspectives phát hành hàng tháng và được hỗ trợ bởi Viện Khoa học về Sức khoẻ Môi trường – Hoa Kỳ, Viện Y tế Quốc gia – Hoa Kỳ, Bộ Y tế Hoa Kỳ.
Link bài viết gốc: http://ehp.niehs.nih.gov/122-a160/